CÁCH ĐỌC CÁC CHỈ SỐ TRONG XÉT NGHIỆM CHỨC NĂNG GAN

Xét nghiệm chức năng gan (LFTs) dùng để phản ánh tình trạng hoạt động của gan, là bước đầu giúp chẩn đoán chính xác bệnh. Có khá nhiều hạng mục trong xét nghiệm kiểm tra chức năng gan. Trong đó, xét nghiệm men gan, Bilirubin, Protein gan, tiểu cầu… là những xét nghiệm quan trọng thường được tiến hành trước tiên.

1. Men gan:

Có 4 men gan khác nhau: AST (hoặc SGOT) và ALT (hoặc SGPT) được biết đến như transaminase; AP (phosphate kiềm) và GGT, được biết như men gan mật. Khi kiểm tra chức năng gan, các chỉ số men này tăng lên có thể đó là biểu hiện của bệnh gan.

a. AST và ALT (transaminase)

Cả ALT, AST đều đặc trưng cho tổn thương gan. Khi tế bào gan bị tổn thương và chết, sẽ phóng thích men AST và ALT vào máu.

+ ALT chủ yếu có ở gan nên nồng độ ALT cao hầu như luôn phản ánh tình trạng gan có vấn đề.

+ AST ngoài gan còn được tìm thấy trong nhiều cơ quan khác như thận, cơ và tim. Vì vậy, chỉ số AST không phải luôn luôn (nhưng thường) cho thấy có vấn đề về gan.

+ Chỉ số trung bình của AST và ALT khi xét nghiệm chức năng gan tương ứng là 0-40 IU/l và 0-45 IU/l.

+ Hầu hết các bệnh gan thì mức tăng ALT cao hơn mức tăng AST. Nhưng trong xơ gan và nghiện rượu thì mức tăng AST cao hơn mức tăng ALT, thường tỷ lệ này là 2:1.

Hình ảnh Cách đọc các chỉ số trong xét nghiệm chức năng gan

ALT chủ yếu có ở gan nên nồng độ ALT cao hầu như luôn phản ánh tình trạng gan có vấn đề.

Có rất nhiều nguyên nhân làm tăng transaminase như: viêm gan do virus, gan nhiễm mỡ, bệnh gan do rượu, do thuốc, viêm gan tự miễn, u gan, suy gan… Vì vậy, xét nghiệm AST, ALT trong kiểm tra chức năng gan là không rõ ràng, cần phải làm thêm các xét nghiệm khác để xác định chính xác hơn xem gan bị bệnh gì.

b. GGT và AP (Men gan mật)

Khi xét nghiệm chức năng gan, thấy GGT và AP tăng có thể là biểu hiện của tắc mật hoặc tổn thương, hoặc viêm đường mật. Khi đó, những men này tăng lên rõ rệt – gấp gần 10 lần giá trị bình thường ở giới hạn trên.

GGT được tìm thấy chủ yếu trong gan, AP lại được tìm thấy chủ yếu trong xương và gan nhưng cũng có ở ruột, thận và nhau thai. Vì vậy, chỉ số AP tăng khi kiểm tra chức năng gan chỉ phản ánh có bất ổn về gan nếu có kèm theo tăng GGT. Mặc dù vậy, GGT có thể tăng nhưng không kèm theo tăng AP, vì GGT dễ bị ảnh hưởng bởi rượu và những thuốc có độc tính với gan.

Nồng độ AP bình thường vào khoảng 35-115 IU/l, và nồng độ GGT bình thường vào khoảng 3-60 IU/L.

2. Bilirubin

Bilirubin là một chất có màu vàng do gan sản xuất ra khi nó tham gia vào chu trình trình tái tạo hồng cầu . Khi bilirubin tăng lên, mắt và da có thể có màu vàng (vàng da), nước tiểu sẫm màu như trà đặc, phân có màu đất sét nhạt. Thông thường, bilirubin trong xét nghiệm chức năng gan mà tăng thì AP và GGT cũng đồng thời tăng, tức là đi kèm với tình trạng gan kém hoặc tắc mật.

Hình ảnh Cách đọc các chỉ số trong xét nghiệm chức năng gan

Khi bilirubin tăng lên, mắt và da có thể có màu vàng.

3. Protein gan

Albumin, prothrombin (yếu tố II) và globulin miễn dịch là những protein được sản xuất chủ yếu bởi gan. Có thể giúp xác định liệu có bị bệnh gan trầm trọng hay không khi có những bất thường về mức protein này.

a. Albumin

Khi gan bị tổn thương nghiêm trọng, sẽ mất khả năng sản xuất albumin. Mức albumin bình thường trong máu khoảng 4g/dl. Những người bị bệnh gan mãn tính đi kèm với tình trạng xơ gan thường có mức albumin dưới 3 g/dl. Mức albumin giảm thấp là nguyên nhân của triệu chứng phù và báng bụng. Ngoài bệnh gan, mức albumin thấp cũng chỉ tình trạng sức khỏe và dinh dưỡng kém.

b. Globulin miễn dịch

Globulin miễn dịch là những protein liên quan đến hệ miễn dịch, một vài trong số này được được tạo ra ở gan và một số được tạo ra từ bạch cầu. Một vài loại globulin miễn dịch tăng lên ở nhiều người bị bệnh gan mãn tính. Mức tăng chỉ số globulin miễn dịch A, G và M (IgA, IgG, IgM) tuỳ theo từng virus gây viêm gan trong xét nghiệm chức năng gan có thể là biểu hiện của bệnh gan nào đó.

c. Thời gian prothrombin (PT)

Gan sản xuất ra phần lớn các yếu tố tạo ra cục máu đông mà cơ thể dùng để ngăn chặn sự chảy máu. Thông thường, 9-11 giây là thời gian để tạo ra một cục máu đông này, thường gọi là thời gian prothrombin (PT). Vitamin K là một thành phần quan trọng của quá trình tạo cục máu đông. Nếu gan bị tổn thương nghiêm trọng hoặc bị thiếu vitamin K, khi kiểm tra các yếu tố đông cầm máu trong xét nghiệm kiểm tra chức năng gan sẽ thấy thời gian kéo dài hơn nhiều so với bình thường, do vậy làm tăng nguy cơ chảy máu quá mức, đặc biệt là trên những bệnh nhân xơ gan.

Hình ảnh Cách đọc các chỉ số trong xét nghiệm chức năng gan

9-11 giây là thời gian để tạo ra một cục máu đông.

4. Tiểu cầu

Tiểu cầu là tế bào máu giúp hình thành cục máu đông. Lá lách đóng vai trò như một kho dự trữ tiểu cầu. Ở những người xơ gan, lá lách thường phải làm việc nhiều để bù lại chức năng bị suy giảm do tổn thương gan. Điều này thường làm cho lách to và số lượng tiểu cầu giảm, được gọi là giảm tiểu cầu. Bình thường tiểu cầu có số lượng từ 150-400 x 103/microlit. Nếu kết quả xét nghiệm chức năng gan cho thấy tiểu cầu của bệnh nhân thấp hơn 150 x 103/microlit được coi là giảm tiểu cầu, có thể là bệnh nhân đang mắc bệnh xơ gan.

Hình ảnh Cách đọc các chỉ số trong xét nghiệm chức năng gan

Nếu kết quả xét nghiệm chức năng gan cho thấy tiểu cầu của bệnh nhân thấp hơn 150 x 103/ microlit được coi là giảm tiểu cầu.

Xét nghiệm chức năng gan cho chuyên gia biết về những bất ổn của gan, là bước “khoanh vùng”quan trọng giúp chẩn đoán chính xác bệnh. Tuy nhiên, chúng không thể xác định được bệnh gan cụ thể, cũng như dự đoán được sự tiến triển của bệnh. Các hạng mục xét nghiệm chức năng gan trên chỉ có ý nghĩa khi kết hợp với một số xét nghiệm khác như siêu âm, chụp cắt lớp vi tính (chụp CT) hoặc chụp cộng hưởng từ.

Các điểm xét nghiệm chức năng gan:

  • Hà Nội: bệnh viện Đại học Y Hà Nội, bệnh viện Bạch Mai.
  • TPHCM: Bệnh viện Nhiệt Đới, bệnh viện, Trung tâm Y khoa Hòa Hảo, Bệnh Viện Đại học Y Dược Tp.Hồ Chí Minh.

Mức giá xét nghiệm chức năng gan khoảng từ 200.000VND - 300.000VND.

Lưu ý trước khi xét nghiệm chức năng gan

  • Không uống bất kỳ loại thuốc nào trước khi đi xét nghiệm
  • Tránh sử dụng các chất kích thích (thuốc lá, cà phê…) vài giờ trước khi lấy máu để có kết quả chẩn đoán bệnh chính xác.
  • Xét nghiệm chỉ cho kết quả chính xác khi người bệnh nhịn đói 4 – 6 giờ trước khi làm xét nghiệm hoặc không ăn sáng sau một đêm ngủ dậy. Thời điểm lấy máu làm xét nghiệm tốt nhất là vào buổi sáng.
  • Không uống nước ngọt, sữa, nước hoa quả, rượu, chè, cà phê, trong vòng 12 tiếng trước khi làm xét nghiệm máu.